LIÊN HỆ HOTLINE:
0919.817.033
Để được tư vấn – chia sẻ về kinh nghiệm làm nông miễn phí
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 01/9/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Công văn số 1690/SNN-TT&BVTV để hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ bệnh chết héo cây keo.
Theo đó, để phòng chống kịp thời bệnh chết héo cây keo, tránh nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát thành dịch, giúp người trồng rừng an tâm sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng, trừ bệnh chết héo cây keo như sau:
1. Đặc điểm nhận biết:
- Nấm gây bệnh thường xâm nhập vào thân cây qua các vết thương cơ giới do con người vô tình hay cố ý tạo ra hoặc do côn trùng gây hại ở thân, cành và rễ cây, cây bị gãy cành do gió bão, vết cắt tỉa cành. Khi bị nấm gây bệnh xâm nhiễm, vỏ trong bị thối đen, vỏ ngoài khô, có vết nứt, có nhựa chảy ra ngoài. Dùng dao cắt vào vết nứt, hay chỗ nhựa gỗ có màu xanh đen, cắt ngang thân cây cũng có màu xanh đen. Cây bị nhiễm bệnh, lá có màu vàng, giai đoạn cuối của bệnh cây bị héo toàn bộ tán lá. Thể quả của nấm gây bệnh có thể nhìn thấy ở vỏ cây nơi vị trí bị bệnh có màu nâu đen. Quan sát trên kính hiển vi soi nổi, thể quả nấm có dạng hình cầu, cổ nấm kéo dày, bào tử túi có hình mũ đặc trưng. Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo Keo lai, Keo tai tượng và Keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.
2. Ảnh hưởng của bệnh:
- Do thân cây và rễ cây bị tổn thương, nấm xâm nhiễm, gây thối rễ, vỏ cây tại các vị trí xâm nhiễm. Gỗ bị biến màu và cây không có khả năng phục hồi. Bệnh phát triển mạnh và có xu hướng lây lan mạnh trong tất cả các vùng trồng rừng keo tai tượng, keo lai trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc.
3. Biện pháp phòng, trừ
a. Biện pháp chung
- Ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thực bì và làm đất theo khuyến cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh. Nên luân canh loài cây, giống cây giữa các chu kỳ, đặc biệt từ chu kỳ 2 trở đi. Phòng tránh việc gây tổn thương cơ giới cho cây trồng, nhất là cây trồng ở độ tuổi 1 – 3.
b. Chuẩn bị đất trồng rừng
- Xử lý thực bì trước khi trồng 3 tháng; thu gom thực bì, cành nhánh sau khai thác, băm nhỏ, xếp theo đường đồng mức, xử lý bằng vôi bột với liều lượng 1-2% vôi bột so với tổng khối lượng vật liệu cần xử lý hoặc có thể đốt thực bì có kiểm soát.
- Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng; bón vôi (0,3-0,5 kg/hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố ít nhất 2 tuần sau khi bón vôi; sử dụng các chế phẩm phòng chống mối, kiến trước khi trồng. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng keo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sử dụng chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp MF1, chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis bón vào hố trước khi trồng, liều lượng 10 g/hố.
- Đối với các lô rừng được trồng từ chu kỳ 3 trở lên có dấu hiệu giảm năng suất so với chu kỳ trước, cần bón bổ sung phân vi lượng (trong đó có Bo), liều lượng 1 g/cây.
- Những nơi đất có độ dốc thấp (dưới 15o), nếu trồng rừng keo từ chu kỳ 3 trở lên cần chú ý loại bỏ gốc cây cũ, làm đất toàn diện, xử lý đất bằng vôi bột (1,5-2 tấn/ha), những nơi có nguy cơ ngập úng, cần lên líp để trồng.
c. Chuẩn bị cây giống
- Sử dụng các giống chưa phát hiện bị bệnh hoặc tỷ lệ bị bệnh thấp.
- Trước khi trồng 1-3 ngày, phun thuốc có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP), Mancozeb (tên thương phẩm là Manozeb 80WP), Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm là Lanomyl 680WP và Ridomid gold 68WG) để phòng bệnh cho cây con.
d. Trồng rừng: nên trồng vào đầu mùa mưa.
đ. Chăm sóc, bảo vệ rừng: quá trình bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, cần tránh không gây tổn thương đến thân, cành, rễ của cây; sử dụng phân có hàm lượng đạm thấp khi bón thúc.
e. Phương thức trồng: nên trồng hỗn giao theo lô. Các lô cạnh nhau cần trồng giống cây hoặc loài cây khác nhau. Cần luân canh giống cây hoặc loài cây giữa các chu kỳ kinh doanh.
4. Xử lý khi rừng bị bệnh
a. Theo dõi diễn biến bệnh: Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng; định kỳ điều tra bệnh cây ít nhất 1 lần/tháng trên các ô tiêu chuẩn được bố trí theo phương pháp hệ thống ngẫu nhiên trên lô. Diện tích mỗi tiêu chuẩn đảm bảo có ít nhất 31 cây/ô, tổng diện tích các ô tiêu chuẩn bằng 0,5-1,0% tổng diện tích của lô rừng trồng thuộc đối tượng điều tra. Trong mọi trường hợp, số ô tiêu chuẩn ít nhất là 1 ô/lô (thuộc đối tượng điều tra). Xác định tỷ lệ bị bệnh của lô rừng (là tỷ lệ phần trăm của số lượng cây bị bệnh so với tổng số cây điều tra)
b. Xử lý cây bị bệnh
– Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15%: tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh
– Không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác.
– Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân từ 16 đến 50%: tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị chết héo. Đồng thời, áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác). Sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP), Mancozeb (tên thương phẩm là Manozeb 80WP), Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm là Lanomyl 680WP và Ridomid gold 68WG). Chú ý pha thuốc với chất bám dính; nồng độ 3g hoạt chất/lít, liều lượng 400-600 lít dung dịch/ha, phun nhắc lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
– Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50%: thanh lý rừng theo quy định của pháp luật.
c. Trồng lại rừng sau khi thanh lý rừng bị bệnh
- BXử lý thực bì, đất theo các khuyến cáo nêu trên.
- Luân canh loài cây trồng khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.
GIAO HÀNG TRÊN TOÀN QUỐC
Tư vấn kỹ thuật miễn phí: 0919.817.033
THAM KHẢO THÊM:
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG
——————————————————————————-
CÔNG TY TNHH VTNN VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Địa chỉ: Đường Nguyễn Trãi, Khu Dân Cư 4, Khu Phố Hiệp Tâm 2, Thị Trấn Định Quán, Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Chuyên Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp
📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲
✅Hotline: 0919.817.033 – 0877.552.253
✅Link web: https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube 1: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
✅Link youtube 2: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcNôngNghiệp
✅Link Zalo: https://zalo.me/0919.817.033
✅Link Lazada: https://www.lazada.vn/shop/viet-nam-agricultural-supermarket
✅ Link Tiktok Shop: https://www.tiktok.com/@vietnamnongnghiepsach.vn
✅ Link Facebook: https://www.facebook.com/plantprotectionvietnam
——————————————————————————————————