MÉO TRÁI SẦU RIÊNG: NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Nguyên nhân gây méo trái sầu riêng
Sầu riêng là loại cây trồng khá kén chọn, để đạt năng suất tối ưu và trái đều, đẹp đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ. Bên cạnh việc tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, người trồng cần chú ý đến thời gian cây ra hoa và quá trình thụ phấn.
Theo Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân trái sầu riêng phát triển không đều, bị méo mó là do hoa thụ phấn không đủ và do thiếu dưỡng chất.
Cụ thể, sầu riêng có hoa lưỡng tính, nở vào ban đêm, và hầu như không thể tự thụ phấn mà cần sự hỗ trợ từ dơi, côn trùng và phấn từ các cây khác. Trái sầu riêng cũng sẽ bị méo nếu nhà vườn thụ phấn thủ công không đúng kỹ thuật .
Ngoài ra, nguyên nhân còn do chế độ dinh dưỡng không cân đối để nuôi trái. Trong quá trình nuôi trái, nếu cây ra đọt non, cây sẽ ưu tiên một lượng lớn chất dinh dưỡng để nuôi đọt mới, lượng dinh dưỡng còn lại không đủ để nuôi trái, làm cho trái phát triển chậm, dị hình, làm méo trái hay còn gọi giật hộc. Hoặc khi cây đậu quả để lại quá nhiều quả trên cùng chùm, trên cây có nhiều lứa trái, gây cạnh tranh dinh dưỡng.
Thiếu nước hoặc tưới không đều: Sầu riêng là loại cây ưa nước, nhưng nếu cây bị thiếu nước hoặc tưới không đều, trái sẽ phát triển không đồng đều, dẫn đến méo mó.
Sâu bệnh: Một số loại sâu bệnh như sâu đục trái, bọ xít, hoặc nấm có thể tấn công trái sầu riêng, gây hư hỏng và làm trái biến dạng. Nấm bệnh cũng có thể làm hỏng vỏ trái, khiến trái sầu riêng bị méo.
Thời tiết không thuận lợi: Sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết. Các điều kiện khí hậu như mưa quá nhiều hoặc khô hạn kéo dài có thể gây căng thẳng cho cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của trái, dẫn đến trái bị méo.
Biện pháp khắc phục méo trái sầu riêng
Để cải thiện tình trạng trái sầu riêng bị méo, các chuyên gia khuyên các nhà vườn nên trồng nhiều giống khác nhau trong một vườn; thực hiện thụ phấn nhân tạo đúng phương pháp để cây thụ phấn hiệu quả và ra trái tốt hơn. Thời gian lý tưởng để thụ phấn là từ 6 đến 9 giờ tối.
Bà con sẽ dùng chổi lông gà mềm quét lăn đều xung quanh các chùm hoa để phấn hoa dính đều vào các đầu nhụy à Giúp thụ phấn đều hơn hoàn chỉnh hơn.
Sau khi thu hoạch, cần chăm sóc vườn để cây tập trung ra đọt trước khi xổ nhụy, đồng thời để cây ra mắt cua. Giai đoạn từ khi cây ra mắt cua đến khi xổ nhụy kéo dài khoảng 1,5 – 2 tháng. Nếu ra đọt thành công trong giai đoạn này, khi cây xổ nhụy và nuôi quả non, lá sẽ chuyển sang giai đoạn lá lụa, ngừng phát triển thêm cơi đọt, không làm cạn kiệt dinh dưỡng của quả non.
Kéo đọt trong điều kiện thời tiết thuận lợi, 5 – 6 tuần sau khi tạo mầm sầu riêng sẽ xuất hiện mắt cua, 7 – 10 ngày sau, khi mắt cua vừa đều, cây sẽ ra đọt mới.
Khi thấy cơi đọt xuất hiện bằng đầu hạt gạo, cần bón thúc đọt ra nhanh, đều. Lưu ý, giai đoạn này cần phòng trừ rầy, rệp và nhện đỏ để bảo vệ cơi đọt vừa ra.
Về vấn đề tỉa bông, chỉ nên để 1 – 2 đợt hoa tập trung; tỉa bỏ toàn bộ bông đầu cành; tỉa thưa các chùm bông trong cành, các chùm bông cách nhau khoảng 15 – 20 cm, ưu tiên chừa lại chùm bông dưới dạ (bụng), tỉa bỏ các chùm bông bên hông; tỉa bông trong chùm: tỉa bỏ bông ốm, nhỏ, xấu, bị sâu bệnh, dị dạng… mỗi chùm bông chỉ chừa khoảng 10 – 20 bông.
Tỉa trái non, chỉ nên để 1 hoặc 2 trái trên một chùm và để trái trên cành thích hợp, không nên để trái trên những cành có kích thước nhỏ, khả năng đậu quả kém vì có thể làm chết cả cành.
Trong thời kỳ nuôi trái, ngoài việc tỉa trái non cũng cần bổ sung các loại nguyên tố đa, trung, vi lượng cho cây để giúp thúc trái lớn nhanh, đều và chống hiện tượng méo trái.
- Giữ độ ẩm đất phù hợp sẽ giúp sầu riêng nở gai, trái tròn đều. Sau khi xổ nhụy 3 – 4 ngày, tiến hành tưới nước từ từ, tưới cách ngày, mỗi ngày tăng dần thời gian tưới, tùy thuộc vào thổ nhưỡng từng vùng mà canh chỉnh thời gian, lượng nước tưới phù hợp tránh gây trình trạng sốc nước.
- Để tránh hiện tượng cây đi đọt trong quá trình nuôi trái, bà con cần có một cơi đọt hoàn chỉnh, lá già trước khi cây xổ nhụy. Bà con cần bón phân đạm cá, humic, phân NPK 20-10-10 cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp để cây phát triển tốt hoàn thành cơi đọt.
- Khi trái khoảng 25 – 30 ngày bị méo trái phát hiện cây có hiện tượng đi đọt, bà con cần chặn đọt bằng MKP. Nếu đọt đã đi mạnh cần chặn gấp pha 1 – 2kg MKP pha cho phuy 200 lít, phun ướt tán lá để ngăn đọt phát triển (đốt đọt)
- Khi trái cỡ trứng gà bón phân NPK 3 số 15-15-15 Yara với liều lượng 1-1,5kg/cây đối với cây từ 10 năm tuổi, 20 ngày sau bón tiếp, đủ hàm lượng nuôi trái, thúc trái lớn nhanh, tròn đều (Anh Thiết Đạ Huoai, Lâm Đồng chia sẻ)